iPhone XR là một chiến lược mới khá thú vị của Apple: giữ lại những đặc điểm thiết kế và tính năng nổi bật của mẫu XS và XS Max đắt tiền hơn, đồng thời hy sinh một số thứ khác để hạ giá thành. Vấn đề ở đây là, liệu sự hy sinh ấy của Apple có làm mất đi sự cao cấp của iPhone XR – vốn là một tiêu chí không nhỏ khi người dùng cân nhắc mua iPhone?
Là một người dùng smartphone, bạn quan tâm đến màn hình thiết bị của mình đến mức nào? Nếu phải đưa ra một con số nào đó, bạn sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu tiền để chiếc smartphone của mình sở hữu màn hình đẹp nhất có thể? Apple có câu trả lời dành cho bạn và đó là 7 triệu đồng.
Tại sao lại là 7 triệu đồng? Đó là số tiền chênh lệch giữa iPhone XR và mẫu iPhone XS cao cấp hơn. Đó là số tiền chênh lệch giữa màn hình OLED 5.8 inch của iPhone XS và màn hình “Liquid Retina” 6.1 inch của iPhone XR. Còn lại, sự khác biệt giữa hai mẫu iPhone này là không nhiều: vẫn là con chip A12 Bionic mạnh mẽ nhất thị trường smartphone hiện nay, vẫn thiết kế tràn cạnh với “tai thỏ” cùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt Face ID, vẫn hệ điều hành iOS 12, rồi Smart HDR, sạc không dây,…
Tất nhiên, không có nhiều sự khác biệt không có nghĩa là iPhone XR và iPhone XS giống hệt nhau. Thực chất, iPhone XS có thêm camera tele ở phía sau, có khung viền làm bằng thép không gỉ, nhưng bù lại iPhone XR sở hữu màn hình lớn hơn và có tới 6 màu sắc để bạn thỏa sức lựa chọn, bao gồm: đen, đỏ, vàng, xanh biển, san hô và trắng. Đây cũng là mẫu iPhone hiếm hoi có nhiều phiên bản màu sắc đến vậy.
Tuy vậy, về cơ bản mà nói, nếu muốn mô tả iPhone XR một cách ngắn gọn nhất, đó sẽ là một chiếc điện thoại mang lại trải nghiệm tương tự iPhone XS với mức giá hấp dẫn hơn và màn hình tệ hơn đôi chút. Nhưng vấn đề là, liệu như vậy đã đủ để đáp ứng nhu cầu của người dùng? Hãy cùng đi tìm câu trả trong bài đánh giá chi tiết chiếc iPhone XR ngay sau đây của VnReview.
Chiếc iPhone XR trong bài đánh giá này được chúng tôi lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile, là phiên bản 2 SIM hàng xách tay dung lượng 64GB màu san hô. Giá của phiên bản này ở thời điểm viết bài là 20 triệu đồng.
Thiết kế: rút kinh nghiệm từ bài học iPhone 5C
Màu cam san hô được Viện màu sắc Pantone bình chọn là “màu của 2019”
Apple đã có những kỷ niệm không mấy vui vẻ với iPhone 5C, mẫu iPhone “giá rẻ” đầu tiên của hãng. Với mặt lưng nhựa tạo cảm giác rẻ tiền cùng màu sắc “lòe loẹt” so với thị hiếu lúc bấy giờ, iPhone 5C đã trở thành một sản phẩm thất bại nếu xét theo tiêu chuẩn của Apple. Tính đến nay đã 5 năm kể từ ngày iPhone 5C ra mắt, Apple mới lại cho ra mắt một sản phẩm giá “Xém Rẻ” nữa, chính là iPhone XR.
Việc Apple có thể rút kinh nghiệm từ iPhone 5C là rất quan trọng đối với tương lai của hãng, đặc biệt là khi thị trường smartphone toàn cầu đang chững lại và trên đà suy giảm. Từ trước đến nay, iPhone vẫn luôn là sản phẩm ở phân khúc cao cấp, nhưng nếu Táo Khuyết có thể tung ra một sản phẩm đủ tốt với mức giá hấp dẫn, họ có thể thu hút thêm những đối tượng khách hàng mới, và bạn chẳng cần là dân chuyên kinh doanh cũng có thể hiểu được rằng, có nhiều khách hàng hơn bao giờ cũng tốt hơn.
Vẫn thiết kế “tai thỏ” quen thuộc giống iPhone X, XS và XS Max
Với iPhone XR, Apple đã giữ nguyên thiết kế của hai mẫu XS và XS Max đắt tiền hơn, với “tai thỏ” chứa cụm cảm biến TrueDepth hỗ trợ công nghệ mở khóa bằng khuôn mặt Face ID, hai mặt kính cường lực Gorilla Glass 5, không có nút Home lẫn cảm biến vân tay. Tuy nhiên, khung máy của iPhone XR làm từ chất liệu nhôm thay vì thép không gỉ như XS và XS Max, và mặt sau của iPhone XR chỉ có một camera đơn, không có camera kép tele.
iPhone XR chỉ có camera đơn ở mặt lưng, thay vì cụm camera kép như XS hay XS Max
Bù lại, iPhone XR cho chúng ta tới 6 lựa chọn màu sắc khác nhau để bạn có thể “tự tin khoe cá tính”. Với việc bổ sung màu san hô – màu được Viện màu sắc Pantone, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ nổi tiếng với hệ thống khớp màu Pantone được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, lựa chọn là “màu của 2019” – Apple đã cho thấy họ cũng rất nhanh chóng trong việc “bắt trend”. Có thể có những người dùng thích phong cách thiết kế mặt lưng đổi màu (gradient) hơn, nhưng với cá nhân người viết, Apple đã làm tốt trong việc lựa chọn và hoàn thiện màu sắc.
Kích thước 6.1 inch khá vừa vặn với những người có bàn tay lớn
iPhone XR có kích thước nằm giữa iPhone XS và XS Max, và đối với riêng cá nhân tôi, sự xuất hiện của kích thước này là điều mà tôi cần từ Apple. Là một người có bàn tay khá lớn, chiếc iPhone XS mà trước đây tôi trải nghiệm gần như “lọt thỏm” trong lòng bàn tay, trong khi chiếc XS Max với màn hình lên tới 6.5 inch lại quá lớn, khiến việc sử dụng bằng một tay khá khó khăn. Màn hình 6.1 inch của iPhone XR là rất vừa vặn, không bị thô như chiếc iPhone XS Max mà VnReview đánh giá trước đây. Trọng lượng 194g không quá nặng cũng không quá nhẹ cho cảm giác đầm tay, chắc chắn.
Thiết kế đã đồng đều hơn, nhưng cổng sạc Lightning vẫn bị đặt lệch so với dải loa ngoài và các lỗ giả loa bên cạnh
Nếu so sánh với chiếc iPhone XS Max, iPhone XR có thiết kế cân đối hơn. Vạch ăng-ten ở cạnh dưới đã được loại bỏ, chỉ còn 4 vạch được đặt đối xứng ở hai cạnh bên của máy. Số lỗ của loa ngoài và dải lỗ “trang trí” đã được cân bằng, nhưng kỳ lạ là cổng sạc kiêm cổng kết nối Lightning trên iPhone XR vẫn bị lệch, một quyết định rất khó hiểu của một công ty nổi tiếng về sự cầu toàn như Apple. Còn lại, các viền máy được bo tròn rất êm ái, khung nhôm tuy không bóng bẩy như thép không gỉ nhưng vẫn khá bắt mắt, mặt lưng kính ít bám vân tay. Những chi tiết nhỏ như viền tiếp giáp giữa mặt kính và khung nhôm, khe loa, cổng Lightning hay cả khay SIM… đều có độ hoàn thiện tốt.
Khay sim của iPhone XR có thiết kế nhỏ gọn nhưng vẫn lắp được hai sim
Với riêng các phiên bản iPhone XR tại Hồng Kông, Trung Quốc, khay SIM có thể lắp được 2 Nano SIM vật lý. Hai SIM được gắn áp vào nhau trên một khay nên khá gọn gàng, phía dưới có gioăng cao su nhỏ để chống nước.
Như chúng ta đã biết, kể từ iPhone 7, Apple đã loại bỏ cổng tai nghe 3.5mm. Tuy nhiên, 2018 đánh dấu một cột mốc mới, khi Apple… bỏ luôn việc tặng kèm giắc chuyển đổi từ jack 3.5mm sang Lightning. Đây là một điều khó có thể chấp nhận khi phụ kiện này không hề đắt nhưng Apple vẫn “keo kiệt” với người dùng. Tai nghe chân Lightning vẫn được giữ lại, nhưng nó chắc chắn không thể phù hợp với nhu cầu của tất cả mọi người.
Ngoài ra, iPhone XR chỉ đạt chuẩn kháng nước/kháng bụi IP67 thay vì IP68 như XS và XS Max. Đây có thể không phải là một vấn đề lớn đối với nhiều người, nhưng rõ ràng với một sản phẩm nằm trong tầm giá 20 triệu đồng, chúng ta có quyền kỳ vọng nhận được những gì tốt nhất.
Màn hình: không quá long lanh, nhưng không hề tệ!
Nếu trước khi iPhone XR ra mắt, có người nói với tôi rằng trong năm 2018, sẽ có hãng di động ra mắt một sản phẩm giá 20 triệu đồng sử dụng màn hình độ phân giải HD, có lẽ tôi sẽ bật cười thành tiếng. Ở phân khúc này, điều mà người dùng nên quan tâm là smartphone đó có màn hình 2K hay Full HD, có màn hình OLED hay LCD, chứ không phải lo lắng về việc liệu màn hình có bị rỗ hay không. Vì vậy, trước khi trải nghiệm, tôi đã phần nào có những hoài nghi về màn hình của iPhone XR.
Tuy nhiên, sau một tuần sử dụng, tôi nhận thấy những hoài nghi của mình là thừa thãi. Màn hình của iPhone XR khá ổn, và nó không phải là vấn đề quá lớn như tôi tưởng. Đúng, iPhone XR có độ phân giải màn hình và mật độ điểm ảnh thấp hơn những chiếc smartphone cao cấp khác như Galaxy S9 hay iPhone XS, nhưng mật độ điểm ảnh 326 ppi của iPhone XR giống hệt những chiếc iPhone LCD không-phải-dòng-Plus của Apple. Chẳng hạn, nếu bạn nâng cấp từ iPhone 8 lên iPhone XR, bạn sẽ khó có thể nhận ra sự khác biệt về chất lượng hình ảnh.
Tuy vậy, màn hình LCD của iPhone XR rõ ràng không thể sánh ngang với màn hình OLED của iPhone XS và XS Max, thậm chí là iPhone X ra mắt năm ngoái. Khi đặt cạnh chiếc iPhone X mà tôi đang sử dụng, màn hình LCD của iPhone XR thua kém thấy rõ về độ tươi tắn của màu sắc, dải tương phản (đặc biệt là màu đen) và góc nhìn. Chỉ có độ sáng của iPhone XR là vẫn khá tốt, có thể sử dụng ngoài trời nắng một cách dễ dàng mà không gặp vấn đề gì.
Do dùng màn LCD nên viền của iPhone XR dày hơn khá nhiều so với XS và XS Max
Tuy được kế thừa thiết kế giống iPhone X, XS và XS Max, viền của iPhone XR vẫn dày hơn khá nhiều do hạn chế công nghệ của màn hình LCD cần có chỗ dành cho đèn LED chiếu sáng và cáp màn hình. Không giống như các hãng Android khác sao chép thiết kế tai thỏ, iPhone XR có phần viền được làm dày đều cả 4 cạnh nên trải nghiệm “tràn viền” có thể bị giảm đi đôi chút nếu so với các phiên bản iPhone cao cấp dùng màn hình OLED.
Những tựa game không tối ưu cho tai thỏ sẽ bị khuyết đi một phần hiển thị
Về âm thanh, iPhone XR cho trải nghiệm tốt. Apple kết hợp dải loa ở cạnh dưới máy với loa thoại ở cụm tai thỏ để tạo hiệu ứng âm thanh stereo cho trải nghiệm giải trí tốt hơn. Chất âm của đôi loa trong, không bị rè khi ở mức âm lượng cao, độ chi tiết khá, bass tuy hơi yếu nhưng vẫn chấp nhận được.
Hiệu năng “vô đối” trên thị trường smartphone
Vẫn được trang bị con chip A12 Bionic giống như iPhone XS và XS Max nhưng chỉ phải “gánh” màn hình độ phân giải HD, iPhone XR còn có hiệu năng mạnh mẽ hơn cả hai đàn anh đắt tiền hơn của mình. Điều này được thể hiện rõ qua các ứng dụng benchmark, khi iPhone XR có số điểm cao hơn hẳn tất cả những chiếc smartphone trên thị trường ở thời điểm hiện tại.
iPhone XS Max hay mọi flagship Android khác đều không phải là đối thủ của iPhone XR
Trong sử dụng thực tế, chênh lệch hiệu năng giữa iPhone XS Max và iPhone XR là rất khó nhận ra, có lẽ chỉ được tính theo phần trăm giây. Mọi thao tác, từ đóng/mở ứng dụng, game cho đến vuốt cảm ứng, tất cả đều rất mượt mà. Tuy nhiên, iPhone XR chỉ được trang bị 3GB RAM, nên chắc chắn không thể giữ được nhiều ứng dụng chạy trong nền như iPhone XS hay XS Max với 4GB RAM.
Con chip A12 Bionic mang lại nhiều cải tiến nhỏ về hiệu năng so với thế hệ trước, như Face ID mở khóa nhanh hơn
“Sát thủ phần cứng” PUBG Mobile không thể làm khó được iPhone XR. FPS trung bình đạt 40, mức tối đa cho phép, với độ ổn định khung hình 100% ngay cả với thiết lập đồ họa cao nhất
Warhammer: Freeblade “ăn” khá nhiều CPU, nhưng vẫn chưa đủ để khuất phục iPhone XR. Máy đạt FPS trung bình là 59 với độ ổn định khung hình 93%
Ngoài hiệu năng sử dụng thuần túy, sự nâng cấp về cấu hình với vi xử lý máy học và vi xử lý hình ảnh (ISP) mới cũng mở ra những tính năng mới cho XR như chỉnh sửa độ mờ xoá phông sau khi chụp hay Smart HDR, cùng với Face ID xử lý nhanh hơn. Nhìn chung, có thể khẳng định hiệu năng của iPhone XR là “vô địch” trong thị trường smartphone ở thời điểm hiện tại.
Pin “trâu bò”, dùng cả ngày cũng không hết
Nếu phải chọn ra lý do xác đáng nhất để chọn iPhone XR thay vì XS hay XS Max, đó sẽ là thời lượng pin.
Với viên pin có dung lượng 2.942 mAh, thấp hơn 200 mAh so với “ông anh to lớn” iPhone XS Max, iPhone XR vẫn tỏ ra vượt trội nhờ màn hình chỉ có độ phân giải HD. Trong sử dụng thực tế, trừ khi chơi game liên tục, chưa lần nào iPhone XR bị cạn pin trước khi tôi đi ngủ, và cường độ sử dụng của tôi không hề thấp: Dùng 4G liên tục để nhận thông báo, thường xuyên lướt Facebook, web, chat Messenger, xem Youtube và chơi game.
Thời gian lướt web liên tục bằng Wi-Fi, với độ sáng màn hình 70%, tính từ lúc pin 100% đến 10% thì dừng
Thời gian xem phim offline độ phân giải FullHD với mức độ sáng 70%, cũng tính từ 100% pin đến 10% thì dừng
Thời gian chơi game liên tục, cũng với mức độ sáng 70%
Trong các bài đánh giá pin tiêu chuẩn của VnReview, iPhone XR cũng có màn thể hiện rất tốt. Máy có thể xem phim liên tục hơn 16 tiếng, lướt web liên tục 11 tiếng và chơi game liên tục hơn 5 tiếng 30 phút. Khi để qua đêm, ngay cả khi dùng 4G để đồng bộ liên tục, máy cũng chỉ mất khoảng 2-3% sau 7 giờ.
Tuy nhiên, việc Apple vẫn chỉ tặng kèm củ sạc công suất 5W từ thời… iPhone 3GS là không thể chấp nhận được. Viên pin dung lượng 2.942 mAh của iPhone XR mất đến 3 giờ 20 phút để sạc đầy, quá chậm so với chuẩn mực của 2018. Máy hỗ trợ sạc nhanh nhưng phụ kiện không hề rẻ, bạn vừa phải mua một sợ cáp USB – C sang Lightning, vừa phải mua một củ sạc nhanh. May mắn thay, iPhone XR có hỗ trợ sạc không dây, và tôi có một đế sạc 15W nên thời gian sạc cũng được cải thiện đáng kể.
iOS 12 không phải là bản cập nhật tập trung vào thay đổi giao diện, mà là những trải nghiệm cốt lõi bên trong. Sự cải thiện về mặt hiệu năng là có, nhưng dễ nhận thấy hơn ở những thiết bị cũ như iPhone 5s hay iPhone 6.
Face ID cho thêm một khuôn mặt để mở khóa, nhưng vẫn tồn tại những nhược điểm
Đáng chú ý nhất trong iOS 12 có lẽ là việc Apple cho phép người dùng thêm một khuôn mặt nữa để mở khóa Face ID, giúp tiết kiệm thời gian nếu bạn dùng chung máy với người thân trong gia đình. Về tốc độ mở khóa, Face ID trên iPhone XR có nhanh hơn một chút so với iPhone X hồi năm ngoái nhưng có lẽ là do con chip A12 Bionic chứ không phải là cải tiến về phần mềm, và nó vẫn tồn tại những nhược điểm của thế hệ trước như không hoạt động khi xoay ngang hoặc lộn ngược, điều mà iPad Pro 2018 đã khắc phục.
Tính năng Screen Time cho phép người dùng theo dõi mình đã dành bao nhiêu thời gian cho các ứng dụng
iOS 12 đánh dấu sự xuất hiện của tính năng giúp người dùng… “cai nghiện” iPhone. Có tên gọi Screen Time, tính năng này giúp người dùng theo dõi mình đã dành bao nhiêu thời gian cho từng ứng dụng, qua đó tự ý thức để tạm nghỉ không dùng nữa hoặc tự đặt giới hạn cho mỗi ngày.
Camera: lấy chất lượng bù số lượng
Ngày nay, camera là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công hay thất bại của một chiếc smartphone, nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Thế nhưng, Apple lại quyết định hy sinh camera để hạ giá thành của iPhone XR, cụ thể hơn là loại bỏ camera tele, liệu đây có phải là sự lựa chọn đúng đắn?
Camera chính của iPhone XR giống hệt iPhone XS – độ phân giải 12MP với khẩu độ f/1.8 được trang bị tính năng chống rung quang học (OIS). Nó có thể quay video 4K 60fps, thu âm stereo, Smart HDR cũng là một điểm mới và quan trọng hơn cả, đây là lần đầu tiên Apple trang bị tính năng chụp chân dung (Portrait Mode) lên một chiếc iPhone không có camera kép.
Giao diện chụp ảnh quen thuộc trên iPhone
Smart HDR thực sự là một cải tiến đáng giá mà Apple dành cho thế hệ iPhone 2018. Khi chế độ này được kích hoạt, dải sáng của ảnh được cải thiện đáng kể, giữ được nhiều chi tiết ở cả phần sáng lẫn phần tối ngay cả khi chụp ngược nắng.
Trong điều kiện trời âm u, sự khác biệt của HDR chỉ có thể được thấy nếu bạn để ý kỹ. Ảnh bên trái có HDR các chi tiết trông sáng hơn, nhưng bầu trời được giảm sáng để thấy được mây
Ảnh không HDR (trên) và có HDR (dưới). Smart HDR hoạt động rất tốt, màu trời và nắng trên vỉa hè trông thật hơn hẳn
Tuy nhiên, có một điều khá kì lạ là khi tôi vô hiệu hóa tính năng Smart HDR, bật HDR thủ công, đồng thời bật tính năng lưu ảnh thường, máy sẽ chỉ lưu ảnh thường không có HDR nếu nó nhận thấy môi trường chụp không cần đến HDR. Nói cách khác, bạn không thể “ép” camera chụp ảnh HDR nếu nó… không muốn, làm mất đi ý nghĩa của việc cho phép người dùng bật/tắt HDR một cách thủ công.
iPhone XR cho phép điều chỉnh mức độ xóa phông cả trước và sau khi chụp
Một chế độ khác có thể mới với người dùng iPhone nhưng đã quá quen thuộc trên các máy Android là điều chỉnh độ xoá phông sau khi chụp. Mặc định ảnh xoá phông sẽ có mức khẩu f/4.5, và có thể điều chỉnh lại trong khoảng từ f/1.4 đến f/16. Tuy nhiên, ảnh chụp chỉ đẹp nhất trong khoảng xóa mờ ở giữa, quanh mức mặc định, khi chỉnh lên mức cao nhất thì ảnh trông rất thiếu tự nhiên. Ngoài ra, camera của iPhone XR cũng không hỗ trợ điều chỉnh phông nền như Art Bokeh của Samsung, khá đáng tiếc vì bản thân tôi khá thích tính năng này.
Tính năng Portrait Lightning điều chỉnh sáng cho ảnh chân dung khá thú vị, nhưng iPhone XR chỉ hỗ trợ 3 chế độ là Ánh sáng tự nhiên, Ánh sáng phòng thu và Ánh sáng viền, thay vì 5 chế độ như XS và XS Max
Tuy iPhone XR là chiếc iPhone camera đơn đầu tiên được trang bị tính năng chụp chân dung, điểm yếu lớn nhất của nó là bạn chỉ có thể chụp chân dung cho người, không thể chụp động vật hay đồ vật như iPhone XS hay XS Max. Điều này là do iPhone XR không có camera phụ, nên nhận diện chủ thể được làm hoàn toàn bằng phần mềm và thuật toán, và Apple mới chỉ tối ưu cho mặt người mà thôi. Ngay cả chiếc Pixel 2 ra mắt hồi năm ngoái của Google cũng có thể chụp xóa phông tất cả các vật thể bằng camera đơn, thậm chí chụp rất tốt, nên chẳng có lý do gì Apple không làm được. Hy vọng rằng hãng sẽ cải thiện tính năng này bằng những bản cập nhật trong tương lai.
Tốc độ lấy nét, chụp của iPhone XR không hề thua kém XS hay XS Max. Hình ảnh có độ nét cao, thể hiện chi tiết tốt, màu sắc đi theo hướng đậm và nịnh mắt, nhưng chưa nịnh bằng các máy Android. Việc thiếu vắng camera tele đối với tôi không phải là điều quá quan trọng, nếu được chọn thì tôi sẽ muốn có một camera góc siêu rộng hơn là camera tele. Ngoài ra, camera f/1.8 với kích thước điểm ảnh lớn của iPhone XR chụp chân dung trong điều kiện thiếu sáng chắc chắn tốt hơn nhiều so với camera tele của XS hay XS Max.
Hệ thống camera trước của iPhone XR vẫn là cụm TrueDepth có từ iPhone X, nên bạn có thể tin tưởng rằng ảnh chụp chân dung selfie sẽ rất ấn tượng. Khuôn mặt được nhận diện chính xác, ít bị lem, bạn cũng có thể điều chỉnh mức xóa phông nhưng giống như camera sau, nhưng nên nhớ là nếu chỉnh quá nhiều so với mức mặc định thì ảnh trông sẽ rất thiếu tự nhiên và hiệu ứng xóa phông còn bị lẹm vào tóc hay cơ thể.
iPhone XS từng có hiện tượng làm mặt bị mịn hơn thực tế khiến nhiều người dùng kêu ca là Beautygate, nhưng ở bản cập nhật mới nhất thì khuôn mặt khi chụp selfie không còn bị làm mịn như trước.
Các bức ảnh sau đây sử dụng tính năng chụp selfie thông thường (trên) và selfie xóa phông (dưới)
Môi trường thiếu sáng hoặc ánh sáng phức tạp cũng không thể làm khó được camera của iPhone XR. Ảnh vẫn có độ chi tiết tốt, tái hiện màu sắc ánh đèn sát với thực tế và ít bị noise. Tuy nhiên, tính năng Smart HDR đôi khi có thể khiến ánh sáng trông không đúng với thực tế và mất chi tiết.
Ảnh chụp lúc 5 rưỡi chiều vào một ngày đông Hà Nội
Nhìn chung, ngay cả khi đã trở thành “vật hy sinh” để giảm giá thành, camera của iPhone XR vẫn thể hiện đúng như tôi kỳ vọng. Camera trước và sau đều cho chất lượng ảnh tốt ở cả điều kiện đủ sáng và thiếu sáng. Smart HDR là một tính năng hữu ích, và việc Apple đưa tính năng chụp chân dung, dù chỉ có thể chụp người, lên một chiếc iPhone chỉ có một camera chính là điều đáng ghi nhận. Tuy vẫn còn một số vấn đề không đáng có, Apple hoàn toàn có thể khắc phục chúng trong những bản cập nhật phần mềm trong tương lai.
Tổng kết
iPhone XR thực sự là một sản phẩm khá kỳ lạ của Apple. Nó hy sinh hai yếu tố quan trọng nhất của một chiếc smartphone ngày nay là màn hình và camera để hạ giá bán, nhưng thực tế sử dụng không hề tệ một chút nào, thậm chí còn có những ưu điểm nhất định nếu so với màn hình OLED và cụm camera kép của XS và XS Max. Trong khi đó, thời lượng pin “khủng” trong phân khúc cao cấp và hiệu năng “vô đối” là những điểm sáng đủ để khiến người dùng cân nhắc lựa chọn iPhone XR thay vì những sản phẩm khác.
Tuy vậy, không thể nói rằng iPhone XR là chiếc điện thoại dành cho tất cả mọi người. Giá bán 20 triệu đồng tuy “xém rẻ” đối với Apple nhưng vẫn là một khoản đầu tư rất lớn đối với bất kỳ ai. Nếu như màn hình đối với bạn đáng giá nhiều hơn 7 triệu đồng hay bạn chấp nhận thời lượng pin ngắn hơn một chút nhưng bù lại sạc nhanh hơn và dễ dàng hơn, hay bạn không quá quan tâm việc app Facebook mở nhanh hơn vài phần trăm giây, có lẽ những sự lựa chọn khác trong phân khúc sẽ phù hợp hơn.
Đánh giá Apple iPhone XR 64GB quốc tế cũ (93%)
Chưa có đánh giá nào.